Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chấn động thế giới, đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vô cùng anh dũng.
Ngay sau khi giành được chính quyền, chúng ta đã xóa bỏ bộ máy hành chính, quân đội, bộ máy tư pháp của chính quyền phong kiến.... đồng thời, khẩn trương thiết lập bộ máy Nhà nước cách mạng, trong đó có cơ quan Tòa án, xây dựng một Nhà nước dân chủ nhân dân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Xác định Tòa án là một thiết chế tư pháp quan trọng của bộ máy Nhà nước, được giao nhiệm vụ thực hiện quyền xét xử, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân…Vì vậy, chỉ sau lễ Tuyên ngôn Độc lập 11 ngày, ngày 13-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33-c thiết lập các Tòa án quân sự; và ngày 24-01-1946 ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án nhân dân và các ngạch Thẩm phán. Do đó, có thể coi Tòa án quân sự là tiền thân của hệ thống Tòa án nhân dân hiện nay. Và ngày 13-9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của hệ thống Tòa án Nhân dân Việt Nam.
Quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân đã gắn liền với quá trình hoàn thiện và củng cố bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); gắn liền với tiến trình cải cách nền tư pháp quốc gia, nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, luôn đề cao hoạt động bảo vệ quyền con người, quyền công dân, được coi là nhân tố tạo dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh.
Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Tòa án nhân dân đã từng bước trưởng thành, phát triển ngày càng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Tòa án nhân dân đã qua nhiều giai đoạn cải cách, đổi mới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ đã ghi dấu, minh chứng các cuộc cải cách tư pháp đó.
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), cùng với việc xây dựng chính quyền địa phương ở các tỉnh phía Nam thì tòa án nhân dân các địa phương cũng được thành lập, trong đó có Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Trong giai đoạn 1975-1985, hệ thống tòa án nhân dân tỉnh có nhiệm vụ trọng tâm xét xử trấn áp bọn phản cách mạng là ngụy quân, ngụy quyền không chịu cải tạo, bọn FULRO trốn ngoài rừng hoạt động tập kích khủng bố cán bộ và nhân dân. Nhằm bảo vệ Đảng và chính quyền cách mạng trong tỉnh, góp phần củng cố và xây dựng chính quyền ở địa phương vững mạnh, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh, các cán bộ, công chức, thẩm phán trong tỉnh đã kiên định lập trường chính trị, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, phối hợp tốt với các cơ quan trong khối nội chính và các cơ quan hữu quan kịp thời đưa ra xét xử 1.094 vụ án hình sự, trong đó có 29 vụ án về các tội phản cách mạng, đã trừng trị nghiêm khắc bọn phản cách mạng phá hoại an ninh chính trị, chính sách đoàn kết dân tộc, xâm phạm trật tự an toàn xã hội; đã góp phần làm tan rã, xóa sổ các tổ chức phản động, bảo vệ vững chắc chính quyền, bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bên cạnh việc xét xử nghiêm minh các vụ án hình sự, các tòa án trong tỉnh cũng đã thụ lý, giải quyết 1.440 vụ án dân sự và hôn nhân gia đình, tổ chức thi hành xong 1.987 bản án, quyết định các loại, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân.
Bước sang giai đoạn 1986-1990, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Tòa án nhân dân tối cao, hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai – Kon Tum đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể đã thụ lý, đưa ra xét xử 1.172 vụ án hình sự, nghiêm khắc trừng trị bọn tội phạm lợi dụng quyền dân chủ để vu khống cán bộ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng. Bên cạnh việc giải quyết tốt các vụ án hình sự, các tòa án trong tỉnh cũng đã giải quyết trên 1.173 vụ án dân sự và hôn nhân gia đình với phần lớn trong số đó được giải quyết bằng hòa giải thành. Hoạt động của các tòa án trong giai đoạn này đã góp phần to lớn vào việc củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đến năm 1991, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa 8 tại Kỳ họp thứ 9, tỉnh Gia Lai - Kon Tum được chia thành 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Căn cứ vào Nghị quyết, Bộ Tư pháp đã ra quyết định thành lập Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vào ngày 16-8-1991. Thời gian đầu tách tỉnh, hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ có 11 tòa án nhân dân cấp huyện, đội ngũ cán bộ tòa án 2 cấp vừa thiếu, lại phải vừa học vừa làm; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn. Nhưng đến nay, hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã dần đi vào hoạt động ổn định và lớn mạnh, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ được củng cố, tăng cường. Trình độ và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức không ngừng được nâng cao, hầu hết cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ đều chuẩn hóa đạt trình độ cử nhân luật; có đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, Nhà nước và tận tụy với nhân dân. Đội ngũ hội thẩm nhân dân cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác xét các loại án. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các tòa án đã được cải thiện đáng kể, đến nay về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.